ĐÌNH - ĐỀN HỘI PHỤ

Thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

GIỚI THIỆU

Đình - đền - chùa Hội Phụ thuộc thôn Hội Phụ, xã Đông Hội. Hội Phụ là địa phương có nghề trồng cói từ thời vua Hùng, chính bởi vậy mà vùng đất này còn có tên nôm là làng Cói (tổng Cói) và tên địa danh là Cối Giang. Đến thời Lê - Trịnh, vì kiêng huý của Trịnh Cối và Trịnh Giang nên đổi Cối Giang thành Hội Giang rồi Hội Thủy, đến thời Pháp thuộc đổi thành Hội Phụ. Theo các cụ cao niên thì tên Hội Phụ nghĩa là làng ở trên gò cao, xung quanh thấp trũng, dân cư đông đúc. Xưa kia nhân dân gọi đình và đền Hội Phụ là miếu và đình Cự Trình, thuộc địa phận làng Cự Trình của vùng Cối Giang. Theo nghĩa Hán Nôm, Cự là “to lớn”, Trình là “cửa Khổng sân Trình”.

Đình Hội Phụ thuộc thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Xa xưa còn gọi là làng Cự Trình vùng Cối Giang, sau thành tổng Cói Hội Phụ. Hội Phụ gắn với tên tuổi của các nhà khoa bảng như: Chử Phong - tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), Chử Thiên Khái - tiến sĩ khoa Nhâm Tuất đời Cảnh Thống thứ 5 (1502), Chử Sư Đổng - tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), Chử Sư Văn - tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Quảng Hoà thứ 4 (1544), Ngô Thế Trị - tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775).
Đình Hội Phụ là nơi hội họp giao lưu văn hoá của nhân dân trong những ngày lễ của địa phương. Ngôi đình thờ Việt vương Triệu Quang Phục, người có công lớn trong việc giúp Lý Nam Đế đánh đuổi quân nhà Lương. Sau khi Lý Nam Đế mất, ông nối nghiệp lên ngôi được 23 năm thì mất. Theo truyền thuyết dân gian thì Hội Phụ từng là điểm đóng đại bản doanh của Triệu Quang Phục, là nơi dấy binh đi đánh quân đô hộ nhà Lương. 
Ngôi đình Hội Phụ nằm trong một khuôn viên cây cối xanh mát và có thế đất cao nên không bị hư hại hồi đê Mai Lâm bị vỡ. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ và mở ra con đường Đông Hội. Mặt đình quay về phía đông nam.

Qua nhiều lần tu bổ, hiện nay ngôi đình còn giữ nguyên được nếp nhà Tiền tế hay còn gọi là Phương Đình với kết cấu chồng diêm 2 tầng 8 mái, 8 góc đạo hoa với vân lá hoá rồng. Trên nóc đắp mặt trời và hai đầu kìm với các đề tài trang trí long ly quy phượng, đầu dư chạm rồng, đầu kê trang trí lá lật... trang trí trên kiến trúc với các mảng chạm nổi, chạm bong kênh mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Đình chính mới được phục dựng lại bề thế khang trang trên nền đình xưa cũ. Đại đình gồm 3 gian 2 chái rộng, mái uốn đao cong. Bờ nóc đắp hoa chanh, hai đầu trang trí đầu kìm, lân chạy bờ dải, đầu đao trang trí lân chầu, cụm vân mây, hệ thống cửa bức bàn chắc khỏe, xung quanh không xây tường mà thưng ván tạo vẻ ấm cúng cho ngôi đình. Kiến trúc với 6 hàng chân cột tạo lòng đình rộng thoáng, các bộ vì kết cấu thượng giá chiêng, trung chồng xà con nhị, tiền kẻ hậu bẩy. Riêng gian giữa vì trung chồng cốn với đề tài tứ linh, tứ quý. Trên các xà trang trí hoa văn lá lật, vân mây, văn triện lá giắt, các đầu dư chạm trổ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Gian chính giữa có màn giếng được sơn son thếp vàng, chạm nổi các cụm hoa lá mềm mại đẹp mắt. Bộ cửa võng lớn trang trí với nhiều đề tài khác nhau tạo nên một bức tranh đầy màu sắc. 
Hậu cung nối với đại đình tạo nên mặt bằng chữ “Đinh” (J) với 3 gian chạy dọc; mặt cửa trước hậu cung phía trên trang trí hổ phù, treo đại tự, dưới mở cửa bức bàn chỉ mở trong những ngày lễ trọng, đi hai bên cửa nhỏ. Trong cung cấm tạo khám thờ Thánh với hai cỗ ngai thờ sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Gian bên trái đình được bố trí để thờ Triệu Việt Vương được trang hoàng lộng lẫy với hai lớp cửa võng thiều châu, hai đại tự và hai đôi câu đối ca ngợi công tích của thần. Sát tường trong cùng trang trí các bức khảm gỗ với đề tài tứ linh, tứ quý, chính giữa là ngai thờ có bài vị Triệu Việt Vương được bày trang trọng, uy nghiêm cùng các đồ thờ tự. 
 
Trải qua nhiều năm tháng của lịch sử, qua những cuộc kháng chiến của dân tộc, nhất là nơi đây nằm trong vùng kháng chiến chống Pháp, di tích đã bị phá hủy, hiện vật và đồ thờ bị mất mát nhiều. Song với tấm lòng của người dân đối với việc gìn giữ di sản của địa phương, trong di tích vẫn còn bảo lưu được những cổ vật vô cùng quý giá như 4 đạo sắc phong thần niên hiệu Tự Đức thứ 10 (1857), Tự Đức thứ 33 (1880), Thiệu Trị thứ 2 (1842), Đồng Khánh thứ 2 (1887); một cuốn thần phả về Đào Kỳ - Phương Dung và Triệu Việt Vương; 03 bộ ngai thờ; 2 cỗ kiệu đều mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Đình Hội Phụ được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996.
 

BẢN ĐỒ

ĐỊA ĐIỂM XUNG QUANH

Thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

1,58 km

Thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

Thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

0,13 km

Thôn đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

Thôn Lai Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

0,93 km

Thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

1,72 km

Thôn Tiên Hội, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

2,12 km

Thôn Tiên Hội, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

2,1 km

Thôn Đông Trù, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

1,02 km

Thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

1,91 km

Thôn Tiên Hội xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

2,28 km

Trang thông tin điện tử Đông Anh 360

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Đông Anh

Chịu trách nhiệm chính: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh

  • Số 66 đường Cao Lỗ, Thị trấn Đông Anh, Đông Anh, Hà Nội
  • 0243.965.2973
  • [email protected]

Về chúng tôi

Theo dõi tại: