Thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội
Đình Lỗ Khê thuộc thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tương truyền, đây là ngôi đền thờ đệ nhất thành hoàng Điện Hưng, được dân làng dựng vào cuối thời kỳ Hùng Vương ở bãi Đình Chiền, ngay trong khu vực đồn trại của Ngài. Đến khoảng thế kỷ 3, dân làng chuyển đền từ ngoài đồng về chỗ hiện nay. Về sau đền được mở rộng và nâng cấp thành đình. Giữa thế kỷ 15 thờ thêm 2 vị tướng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn là Dương Trực và Tô Quang, cùng với Thủy thần Út Đầu Rền một vị tướng từ thời Hùng Vương từng được phong “Phổ tế linh ứng đại vương”. Bốn vị thành hoàng này gọi chung là “Vạn cổ tứ linh”.
Theo thần tích, Ngài Điện Hưng sinh năm 313 TCN. Mẹ là Vũ Thị Khang – người làng Mộ Trạch, nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, rời quê đến xã Vạn Kỳ, huyện Gia Định (nay là Gia Bình, tỉnh Bắc Giang), sau về làng Lỗ Khê, rồi sinh ra Ngài. Lớn lên, Điện Hưng giúp vua Hùng đánh lại nhà Thục. Sau khi mất, Ngài được dân làng Lỗ Khê thờ và các triều vua phong là “Hiển ứng linh phù đại vương, Thượng đẳng thần”.
Dương Trực (1402 – ?) quê ở trang Thanh Liêm, huyện Thanh Liêm, phủ Lý Nhân, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Ngài từng theo Lê Lợi đánh giặc Minh, đóng quân ở làng Lỗ Khê, tại đây Ngài đã sai quân lính cùng dân làng đào 72 cái chuôm và 11 mạch để trữ nước tưới cho đồng ruộng. Vì thế Ngài được dân làng tôn thờ và các triều vua phong là “Hầu Đại liêu đại vương, Thượng đẳng thần”.
Tô Quang là con nuôi của cụ Dương Bang, thân sinh ra Dương Trực và anh trai của mẹ Tô Quang. Hai anh em con chú con bác này cùng theo Lê Lợi đánh giặc Minh và cùng mất ngày mồng bảy tháng chín âm lịch. Ngài cũng được các triều vua phong là “Hầu Đại liêu đại vương”, lúc đầu chỉ là Trung đẳng thần, đến thời Nguyễn nâng lên thành Thượng đẳng thần.
Đình được dựng trên thế đất phong thủy hình đầu rồng quay về hướng tây-nam, cặp mắt rồng là 2 giếng nước ở cổng Đồng và cổng xóm Tây, nhìn ra đồng không bị che khuất. Quanh làng có 10 gò cao xếp thành 2 nhóm trước 3 sau 7 (tiền tam thai, hậu thất diệu), tượng trưng cho 10 ngọn đèn thần chiếu vào đình và mọi nhà trong làng.
Tam quan đình khá độc đáo, cửa bên phải vốn có tấm bia đá ghi sự tích đình làng; phía trước và sau đình từng có 2 cổ thụ nghìn tuổi, nay bia và cây đều không còn. Đình nhìn về hướng đông-nam ra một ao to, có cầu bắc ra đảo. Trước đình có con chó đá, đầu ngẩng, cổ đeo nhạc. Cạnh đình là 5 từ chỉ, trong đó ở mé tây nay đã trùng tu văn chỉ thờ Khổng Tử. Di vật là nghiên mực trong bộ bút nghiên tương truyền do Đức Thánh Cả trao lại cho dân làng cùng lời dặn “Để mất bút nghiên thì con cháu sẽ dốt nát”.
Nghe nói năm Kỷ Tỵ đời vua Tự Đức (1869), quân triều đình về dẹp giặc cỏ, đình bị đốt cháy ngày 21-9 âm lịch. Sau dân làng quyên góp xây dựng lại đình, tổ chức rước các thần tạm ngụ ở gốc đề Cầu Bài, gốc đa Mạch, gốc đa Cổng Trại và gốc đa ven miếu sông Nguyệt Giang (huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Năm Mậu Ngọ đời vua Khải Định (1918), đình được trùng tu, phục chế và mở rộng cửa võng, giữ các đường nét chạm khắc thời Lê. Năm Tân Tỵ đời vua Bảo Đại (1941) mở rộng lòng giếng đình, năm 1987 lại tu sửa nhỏ.
Sân đình rất rộng, có đôi rồng đá trước thềm.
Kiến trúc đình gồm tiền tế, trung tế cùng 5 gian và hậu cung 3 gian, nền nhà trung tế cao hơn thềm đình. Tòa tả mạc lẫn tòa hữu mạc đều không còn. Hai bên hậu cung là tả trù và hữu trù. Những chạm khắc hoa văn ở cả hai phần nề và mộc đều mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê.
Trong hậu cung còn giữ được 8 đạo sắc phong của các triều vua từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn. Đình còn được vinh dự đón Hồ Chủ tịch về chúc tết vào ngày đầu năm Giáp Thìn (13-2-1964).
Đình Lỗ Khê hàng năm vào đám tháng giêng, lệ làng quy định nếu năm mất mùa thì đám từ mùng 4 đến 10 tháng giêng âm lịch. Nếu được mùa thì đám từ 10 đến 19 tháng giêng âm lịch. Nếu bội thu thì từ 10 đến 27 tháng giêng âm lịch.
Ngày 21-01-1989, đình Lỗ Khê được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Đông Anh
Chịu trách nhiệm chính: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh