ĐÌNH HÀ LỖ

Thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

GIỚI THIỆU

Đình Hà Lỗ ở thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Theo thần tích, đình Hà Lỗ được xây từ lâu đời, bên trong thờ thành hoàng là Vũ Minh Công sống dưới thời vua Hùng Vương thứ 6. Ngài cùng anh trai là Vũ Dực Công đã có công dập tắt bệnh cứu dân trong trang Hà Lỗ và các vùng lân cận, sau đó vua phong Vũ Dực Công là Khâm thiên nguyên soái và Vũ Minh Công là Minh nghị triều chính đại tướng công.
Về sau hai ngài có công chống giặc Xích Tị (mũi đỏ) nên lần lượt được phong Thiết chế đại tướng công và Tham tán mưu sự đại tướng công, khi mất vua lại truy phong làm thượng đẳng phúc thần và cho thờ tại 42 nơi khác nhau. Dân tôn Vũ Dực Công làm Thiên uy đại vương và Vũ Minh Công làm Minh uy đại vương.

Đình Hà Lỗ nằm ở đầu làng về phía đông, đẹp, bề thế, trước mặt là ao rộng tạo cho ngôi đình có địa thế thoáng đãng, nghi môn tứ trụ mở ra, theo trục thần đạo qua sân rộng là nhà tiền tế được làm chồng diêm 2 tầng mái uy nghi, những mái đao cong vút điểm xuyết là rồng, phượng, lân chạy bờ dải sống động, đôi rồng hóa trên nóc chầu mặt trời...

Tiền tế được thiết kế 1 gian 2 chái, bên trong các bức cốn được đắp trang trí tứ linh, tứ quý, văn triện, lá giắt... Hai bên tiền tế là hai dãy nhà tả vu, hữu vu cùng với đại đình tạo thành thế tay ngai vững chãi cho cả không gian thiêng của ngôi đình.

Đại đình nằm phía sau tiền tế với 5 gian, 2 chái, bốn góc mái nhô cao với các đầu đao cong vút nhờ các tàu mái réo cong đan cài ở 4 góc tạo nên những nét duyên dáng nhưng không kém phần vững chãi cho ngôi đình. Nóc đình đắp đôi rồng chầu mặt trời uy nghi dũng mãnh trên nền những cụm mây vân xoắn, trên 2 đầu bờ nóc được đắp hình con Kìm Lạc Long thủy quái. Hệ thống cửa bức bàn cùng ván thưng xung quanh đình chắc khỏe, gian giữa được thiết kế lùi vào chừng nửa gian tạo khoảng trống trước khi bước vào không gian thiêng. 
Bộ vì gồm 6 hàng cột lớn đứng thẳng trên các bệ đá bằng sức nặng của mái và các mối liên kết. Kiến trúc đình làm lối thượng giá chiêng, vì trung gian giữa chồng cốn, các gian bên chồng xà, tiền kẻ, hậu bẩy, các vì giữa đều có đầu dư trang trí đầu rồng.
Người nghệ nhân xưa đã để lại trong kiến trúc đình những tác phẩm nghệ thuật vô giá, đó là các bức cốn chạm đề tài tứ linh, tứ quý bằng các thủ pháp chạm lộng, chạm bong kênh, chạm nổi tạo hình các con vật như đang bay, đang chạy, hoa lá cỏ cây như đang sinh sôi nảy nở... Toàn bộ trên các xà, kẻ của ngôi đình đều được trang trí đẹp mắt, nhìn toàn thể không gian như một bức tranh đủ sắc màu của làng quê Việt, thể hiện sự cầu mong cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Bức cửa võng, hương án thờ, long ngai bài vị thánh lung linh với màu sắc vàng đỏ của nghệ thuật sơn son thếp vàng, những đạo sắc phong thần quý giá của các triều vua chủ yếu có niên đại thời Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, thể hiện công lao của hai vị thần đối với dân với nước.
Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, di tích đình Hà Lỗ đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia năm 1989.

BẢN ĐỒ

ĐỊA ĐIỂM XUNG QUANH

Thôn Hà Hương, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

0,33 km

Thôn Đại Vỹ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

1,42 km

Thôn Hà Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

0,3 km

Thôn Thù Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

0,51 km

Thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

1,52 km

Thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

Thôn Giao Tác, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

Thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

1,02 km

Thôn Lỗ Khê xã Liên Hà huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.

0,89 km

Thôn Lỗ Khê xã Liên Hà huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.

1,11 km

Trang thông tin điện tử Đông Anh 360

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Đông Anh

Chịu trách nhiệm chính: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh

  • Số 66 đường Cao Lỗ, Thị trấn Đông Anh, Đông Anh, Hà Nội
  • 0243.965.2973
  • [email protected]

Về chúng tôi

Theo dõi tại: