Thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội
Đình Thiết Úng nằm ở trung tâm thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Đình làng thờ 2 vị thành hoàng làng Bình Thục và Đông Pha đại vương, 2 vị tướng thời cuối triều Hùng đầu triều Thục. Công tích 2 vị thành hoàng được ghi lại trong thần tích làng hiện còn lưu giữ như sau:
Vào cuối thời Hùng ở xã Phù Ủng, huyện Đường Hào phủ Hồng Châu có ông Triệu Quang vợ là bà Nguyễn Thị Tín cùng ở một làng. Hai ông bà xuất thân hào phú nhưng tính tình phúc hậu, gần gũi, hay giúp đỡ mọi người. Ông bà muộn con, được thần báo mộng, bà có mang sinh đôi được hai người con trai. Hai người con có tướng mạo thần kỳ khác người được ông bà đặt tên cho anh là Thục và em là Pha. Lớn lên hai anh em được cha mẹ cho đi học. Hai vị học giỏi, tinh thông cả văn và võ được thầy dạy học hết lòng yêu quý, khen ngợi. Đến năm hai ông 17 tuổi, ông bà thân sinh qua đời. Hai anh em lo ma chay tang lễ báo hiếu với cha mẹ, khi mãn tang gặp đúng lúc vua Hùng Duệ Vương thi chọn người tài giúp nước, anh em ông liền về quê dự thi. Qua thi tuyển cả hai anh em đều được chọn vào bệ kiến nhà vua, Duệ Vương thấy 2 anh em ông văn võ song toàn, thông minh sáng trí đã phong cho người anh chức Đô úy, người em giữ chức Lang trung. Hai anh em hết lòng phò giúp nhà vua, giúp nước, cần mẫn siêng năng được vua tin, dân quý. Nhân lúc thanh bình, hai ông xin vua cho đi thăm cảnh du ngoạn các nơi. Trong chuyến đi đó hai anh em đã đến vùng Đông Ngàn và phường Xa Lập. Cảm mến phòng cảnh sơn thủy hữu tình ở đây, hai ông đã cho xây cất một hành cung để làm chỗ nghỉ ngơi cạnh dòng Hoàng Giang. Hai ông tâu xin vua cho lấy nơi đây làm đất hộ nhi hậu phần về sau. Vua chuẩn y, hai ông liền ở lại phường Xa Lập dạy dân trong bản quán tích cực trồng cấy, phát triển canh cửi tầm tang, chăm lo xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Hai vị lấy điều nhân nghĩa, thuận hòa thu phục nhân tâm tạo nên mĩ tục, được dân tin yêu, quý mến.
Bấy giờ Duệ Vương già yếu lại chỉ có 2 người con gái, Thục Chúa không quy thuận có ý định cướp ngôi. Quân Thục đông, mạnh tiến đánh uy hiếp nhà Hùng, vua vội gọi con rể là Sơn Thánh Tản Viên và 2 ngài Thục, Pha về triều bàn kế giúp nước. Hai ngài được phong đại tướng quân lĩnh mệnh đem quân đi giữ nước. Hai ngài còn về cung sở ở Xa Lập mở yến tiệc khao quân lấy thêm người ở bản quán làm gia thần tục vệ. Hai anh em dẫn quân bẻ gãy cánh quân Thục rồi giành chiến thắng. Vua Hùng thắng lợi, mở tiệc vui cùng nhân dân, trong tiệc hai ngài tỏ ý muốn lấy phường Xa Lập làm nơi ân sủng hộ nhi thờ cúng về sau, dân làng đã vui vẻ nhận lời. Tiệc vừa tan, đột nhiên ngài Pha theo mây hóa mất, ngài Thục vô cùng buồn thương. Ba năm sau, trong chuyến du hành đến núi Kim Nhan (tức Mục Tinh sơn), ngài Thục cũng đột nhiên hóa. Nhận biểu tấu cáo của dân, vua Hùng vô cùng thương tiếc đã ban sắc chỉ cho dân lập miếu thờ ở chính hành cung cũ của hai vị. Trải thời gian về sau, dân làng vẫn giữ gìn đền miếu và thờ cúng hai vị làm thần thành hoàng làng. Đến nay Thiết Úng vẫn duy trì nghi lễ thờ cúng hai vị Bình Thục và Đông Pha. Hằng năm thôn làng mở hội linh đình trọng thể diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới, chính hội vào ngày 11 tháng giêng nhưng trước và sau ngày hội không khí thôn làng đã tưng bừng nhộn nhịp. Ngoài các nghi lễ tương tự như các nơi khác, ở Thiết Úng có một nghi lễ rất đặc biệt đó là ngày thi kỹ xảo mỹ nghệ. Ngày lễ này mang tính đặc trưng, phản ánh nghề cổ truyền của làng là làm nghề mộc chạm khắc. Tất cả các “tay nghề” trong làng đến ngày này đều náo nức tham gia cuộc thi, vừa là ngày vui, vừa có điều kiện trau dồi học tập kinh nghiệm làm nghề cổ truyền. Hội làng Thiết Úng ngoài việc tưởng nhớ đến hai vị thành hoàng còn tôn vinh các giá trị tinh thần nhiều mặt, thúc đẩy sự phát triển của làng nghề truyền thống.
Nơi tập trung diễn ra lễ hội làng chính là đình Thiết Úng. Đình được xây dựng từ bao giờ không rõ vì không có tài liệu ghi chép nào nêu cụ thể niên đại khởi dựng của di tích. Theo thần phả và qua trang trí trên kiến trúc cùng niên đại các đồ thờ hiện còn giữ ở đình có thể phỏng đoán đình được khởi dựng vào cuối thời Lê (1653) đầu thời Nguyễn, đại tu và sửa chữa nhiều lần, lần cuối cùng di tích được trùng tu là vào năm 2017 - 2018.
Trước cửa là ao đình, chếch về bên phải là một gò đất nổi trồng cây xanh, có bến nước lên xuống trước cổng đình. Nghi môn đình được làm theo lối tứ trụ rộng thoáng, không lắp cánh cổng. Sân đình rộng, hai bên xây tảo mạc có kết cấu 5 gian, lối đầu hồi bít đốc tay ngai, không xây tường bao mà để thoáng. Kết cấu bộ vì thượng giá chiêng chồng xà con nhị, tiền kẻ hậu bẩy, hoa văn trang trí đơn giản với lá lật văn mây.
Bố cục mặt bằng của đình làm theo lối chữ “Đinh”, đại đình ở trước, hậu cung phía sau. Mái đình lợp ngói di, nền đình làm cao vừa phải và lát gạch toàn bộ. Đại đình có 5 gian 2 chái cuốn đao cong 4 góc. Trên các đao đều đắp trang trí các đầu kìm, lá cúc, bờ dải đắp lân chầu, dáng dấp cổ kính truyền thống. Kết cấu kiến trúc đại đình theo lối lục hàng chân mỗi vì có 6 cột gỗ chắc khỏe. Cột gỗ đình to kê trên chân tảng đá xanh chôn chìm xuống nền gạch. Kết cấu các vì của đình làm theo từng cặp cân xứng với nhau với hai vì giữa, hai vì bên cùng hai vì cạnh. Liền cùng với vì cạnh có hệ thống bán mái tạo trái và đao ở hai bên đốc. Vì thượng cùng chung một mẫu trụ đội thượng lương chồng xà con nhị trên câu đầu. Các vì trung, hạ bố trí khác nhau, hai vì giữa chồng xà bưng ván hạ kẻ trường đón ở trước phía. Hai vì bên đều là kẻ trường luồn cột quân, cột con đón mái. Trước đình các kẻ đua dài tạo ra một hiên hẹp ở ngoài hàng cột con. Hệ thống cửa bức bàn gỗ bưng kín suốt ba gian giữa và hai gian trái, riêng ở phần dĩ và hai đầu hồi, tường hậu xây gạch trổ cửa sổ.
Hậu cung của đình làm phân biệt thành hai phần ở trên mái nhưng tường thì thống nhất cùng khuôn xây câu liền vào gian giữa của đại đình. Chuôi duộc đình có hai gian hẹp với kết cấu đơn giản quá giang gối hai cột gỗ áp tường hai bên đón hệ thống xà chồng đỡ mái. Hậu cung làm bít đốc có một gian hai dĩ liên kết liền với phần chuôi duộc, hẹp và trốn cột. Trong hậu cung lát ván gỗ cao ở áp tường hậu thành một khám thờ, trên khám bố trí ngai thờ của hai vị thành hoàng.
Trên kiến trúc của đình có nhiều các họa tiết trang trí. Đầu dư của đình chạm nổi các đầu rồng ở 2 vì trung tâm, 4 dư này có dáng dấp nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn. Các dư được chạm với kỹ thuật chạm lộng bong kênh, trổ thủng có đuôi tóc đao mác hình thu nhỏ và kéo dài phía sau. Các dư này đều có niên đại nghệ thuật vào cuối thế kỷ XVIII. Cốn mê ở cửa cấm vào cung được chạm khắc với đề tài tả lưỡng long chầu nguyệt, chạm nổi hài hòa. Bưng kín hai cột cái hậu ở gian giữa đình là bức cửa võng gỗ sơn son thếp vàng rực rỡ. Ở chính giữa có chạm nổi tôn nghiêm bức đại tự 4 chữ lớn “Thánh cung vạn tuế”. Ở trên đại tự đặc tả hình lưỡng long chầu nguyệt, hình chạm nổi sinh động. Diềm 2 bên đặc tả hệ tứ linh long, ly, quy, phượng với chủ đạo hình rồng. Các ô cửa võng miêu tả hệ tứ linh, tứ quý và hoa lá đan xen. Cửa võng của đình là một tác phẩm mang dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn nhưng được làm đẹp, cầu kỳ nâng cao giá trị cho di tích trên các thân xà, bẩy kẻ đầu có hình chạm nổi lá cúc, hình triện điểm xuyết đan xen.
Hiện nay đình Thiết Úng còn gìn giữ khối lượng khá lớn di vật, đồ thờ mặc dù đã có thất tán hư hỏng qua chiến tranh. Cuốn thần tích chữ Hán ghi rõ lai lịch hai vị thành hoàng làng, 6 sắc phong thời Nguyễn được các triều vua ban. Khám thờ được bao quanh bằng ván gỗ đặt trong hậu cung với các hàng chấn song con tiện hai chân bên ngoài tạo chân quỳ dạ cá mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Một ngai thờ đôi làm thoáng, uốn lượn sinh động, có các trang trí rất tinh xảo. Ngai bằng gỗ sơn son thếp vàng, các mảng chạm khắc có miêu tả họa tiết hổ phù, tứ quý, thân rồng được đặc tả rất tinh tế, sống động. So sánh với những ngai thờ thường gặp thì chiếc ngai đôi này rất đặc biệt, lạ mắt. Niên đại tạo tác ngai vào thời Nguyễn thế kỷ XIX. Hai giá văn một làm vào thời Nguyễn, một làm cuối thời Lê. Giá văn sớm có chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt còn giá văn thời Nguyễn chỉ vẽ thuốc sơn mài. Hương án có nhiều ô, có các họa tiết chạm nổi, bong và trổ thủng đặc tả tứ linh, tứ quý, long chầu cùng các họa tiết hoa lá. Chuông nhỏ bằng đồng, đúc vào năm Tự Đức thứ 4 (1853), chỉ ghi tên chuông, không có bài minh. Một ván gỗ ghi 2 bài thơ chữ Hán làm vào năm Thành Thái Ất Tỵ (1905) có chạm nổi phù điêu các họa tiết trang trí rồng chầu. Ván gỗ sơn son, thếp vàng chữ khắc chìm…
Đình Thiết Úng là nơi phục vụ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa truyền thống, bài thơ được khắc tại đại đình đã nói lên điều đó:
“Trời sinh hai vị thánh
Họ Triệu giúp minh quân
Tiếng thơm còn để mãi
Tình lưu luyến vạn xuân”
Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Đông Anh
Chịu trách nhiệm chính: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh