ĐÌNH - CHÙA LỄ PHÁP

Thôn Lễ Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

GIỚI THIỆU

Cụm di tích đình chùa Lễ Pháp thuộc thôn Lễ Pháp xã Tiên Dương. Nằm trên mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống, đình, chùa Lễ Pháp là cụm di tích tôn giáo tín ngưỡng thể hiện rõ nét đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi đây. Đình là nơi thờ Thần hoàng làng, nơi diễn ra những sinh hoạt cộng đồng của làng, còn chùa là nơi thờ Phật, một tôn giáo tín ngưỡng phổ biến của nước ta.

Căn cứ vào bản kê khai thần tích của hương lý thôn Lễ Pháp, xã Tuân Lề, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, ngày 10 tháng 3 năm Bảo Đại 13 (1938) hiện đang được lưu giữ tại kho của Thư viện Khoa học Xã hội thì đình Lễ Pháp thờ vị Thần hoàng làng có tên húy là Đống Vĩnh. Các tư liệu thành văn hiếm hoi còn lại trong đình như: 2 bản sắc phong (năm Khải Định 2 - 1917 và Khải Định 9 - 1924) cùng dòng chữ Hán trên tấm bài vị trong đình đã khẳng định điều đó.

Theo thần phả cùng bản kê khai các vấn đề có liên quan đến việc thờ Thần hoàng làng cùng các phong tục thờ cúng thì sự tích của vị thần Đống Vĩnh Đại vương có thể tóm tắt như sau:
Vào thời Hùng Duệ Vương - vị vua Hùng cuối cùng, Thục Phán nước Ba Thục thường mang quân đến quấy nhiễu. Vua Hùng nhiều lần phải nhờ đến Quý Minh, một tướng tài đã được phong làm Tiền đạo đương lộ tướng quân, đánh dẹp. Quý Minh đã nhiều lần giúp vua dẹp yên quân Thục. Một lần, ông dẫn quân đến Uy Nỗ Trung, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc và nghỉ lại đó. Đến đêm, ông nằm mộng thấy có ba người mặc quần áo đỏ, đeo đai đỏ, thân thể rất kỳ dị và cổ quái, tự xưng là ba vị tinh linh thủy thần, một vị gọi là Thủy Hải, một vị gọi là Bạch Tượng và một vị gọi là Đống Vĩnh, đã linh hiển âm phù cho. Quý Minh tỉnh dậy biết là đã được linh thần giáng điều lành, liền gọi các cố lão đến hỏi và ban cho vàng bạc để mua thêm ruộng ao lo thờ cúng. Hôm sau, có sứ giả phụng chiếu thư sai ông đi đánh giặc Thục ở Bắc Đạo và ông đã giành được thắng lợi. Như vậy, đúng theo sự ghi chép trong Thần phả thì thần Đống Vĩnh là một linh thần đã có công phù giúp tướng Quý Minh đánh quân Thục giúp vua Hùng, nhưng còn sự tích lai lịch vị thần ra sao thì không thấy ghi rõ. Bản thân hai tấm sắc phong cũng chỉ ghi: “Sắc ban cho thôn Lễ Pháp, xã Tuân Lề, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên được thờ phụng Đống Vĩnh Đại vương tôn thần, đã cứu nước giúp dân rất là linh ứng…”. Theo bản kê khai của hương lý thôn Lễ Pháp thì ngày lễ thánh duy nhất là vào ngày 2 tháng 8 âm lịch hằng năm, tức nhằm ngày đức Quý Minh nằm mộng thấy thần.

Theo các cụ cao tuổi kể lại thì đình Lễ Pháp vốn trước nằm bờ bên kia con sông Thiếp - nơi khu gò đất cao ấy nay vẫn còn lại dấu tích của nền đình cũ. Về sau, đình được chuyển về dựng lại ở phía bên này, ngay trong khu vực dân cư của làng. Đình Lễ Pháp được xây dựng trên một thế đất cao thoáng, với cảnh quan thiên nhiên rất đẹp: phía trước mặt là dòng sông Thiếp quanh co, uốn lượn, phía sau lưng là xóm thôn trù phú yên vui. Trước cửa đình có ao được quy hoạch tu bổ thành hồ bán nguyệt, qua sân rộng vào đình chính, ngôi đình có bố cục mặt bằng chữ “Đinh” (J) gồm đại đình và hậu cung.

Tòa đại đình với 5 gian 2 dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đầu hồi có hai đấu nắm cơm, bờ dải xây giật cấp ở phía dưới, đỉnh đắp hình đấu vuông. Nền nhà đại đình được tôn cao khoảng 70cm so với mặt sân và có 3 bậc xây dẫn lên hiên đình. Ba gian giữa thụt vào có hiên, lắp cửa bức bàn, trong đó bộ cửa giữa còn giữ được hai cánh có giá trị nghệ thuật cao, phía trên trang trí đề tài phượng hàm thư, dưới khắc chìm tứ quý. Nét chạm ở đây rất mềm mại, tinh tế, chỉ tiếc là các đường nét đã bị mờ nhiều. Hai gian bên thưng ván gỗ, mở cửa sổ. Kết cấu 4 hàng chân cột, kiến trúc theo lối thượng giá chiêng, trung chồng xà con nhị, gian giữa chồng cốn, hạ kẻ bẩy trước sau. Các bẩy hiên được trang trí các đề tài lão trúc hóa rồng, tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Các bức cốn được chạm nổi hình rồng lá uốn lượn giữa các cụm văn mây xoắn. Các đường nét chạm khắc ở đây được thể hiện khá công phu với các kỹ thuật chạm nổi điêu luyện tạo nên sự mềm mại sinh động cho các kiến trúc gỗ ngay từ phía ngoài của tòa đại đình. Nghệ thuật chạm khắc trang trí được tập trung chủ yếu tại đây và thể hiện đậm đặc trên tất cả các bộ vì, các cốn mê và đầu dư của hai bộ vì gian giữa với một hệ thống đề tài phong phú, mang đậm nét phong cách nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn. Bốn đầu dư đỡ câu đầu của gian giữa được chạm lộng hình đầu rồng ngậm ngọc. Trên các bức cốn mê chạm nổi đề tài tứ linh với long, ly, quy, phượng ẩn hiện trong văn mây sóng nước và hoa lá. Hai bức cốn gian giữa lại được trang trí các đề tài long mã hà đồ và thần quy lạc thư. Các đầu bẩy chạm nổi hình đầu rồng cách điệu, văn mây cụm và đề tài lão mai hóa rồng. Trên các thanh xà, thanh rường, xà nách và đầu nghé chạm nổi hình hoa lá, văn mây cụm. Nghệ thuật chạm khắc trong tòa đại đình mang đậm nét phong cách nghệ thuật thời Nguyễn - thế kỷ XIX, rất phù hợp với niên đại tu tạo được ghi trên thượng lương là vào năm Minh Mệnh thứ 20 (1839).

Lòng nhà đại đình được để trống, nền lát gạch, hai gian cạnh đã khôi phục lại sàn đình bằng gỗ để làm nơi hội họp của dân làng. Chính gian giữa đình treo một bức cửa võng lớn, phía trên cùng là lưỡng long chầu nhật, hai bên diềm buông xuống là rồng cuốn thủy. Bốn góc trang trí độc long, phượng vũ, lân chạy nhảy, rùa vờn trong sóng nước. Hai bên chạm phượng hàm thư, mai lão, trúc lão. Chính giữa bức đại tự với 4 chữ hán “Thánh cung vạn tuế”, bên dưới là lưỡng long chầu nguyệt, cá chép hóa rồng, dưới cùng bức chạm hổ phù uy nghi dũng mãnh như soi cả thế giới vậy. Bức võng được sơn son thếp vàng mang dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XIX. Hai gian bên treo hai bức y môn gỗ cùng những bức tranh chạm nổi đề tài tứ linh, tứ quý đẹp mắt sống động. Trần gian giữa mới phục dựng màn giếng, được chạm nổi một bức tranh lớn với 4 con dơi 4 góc tượng trưng cho phúc đức thành đạt cùng long, ly, quy, phượng đang bay nhảy đùa giỡn trong mây. Trần 2 gian bên cũng được thưng ván rồi vẽ tranh thuốc màu với cỏ cây hoa lá chim muông, muôn thú… làm tăng thêm sự trang trọng nơi cửa Thánh.

Hậu cung được nối liền với gian giữa đại đình và ngăn cách bằng 3 cửa, hai cửa nhỏ hai bên và một cửa bức bàn ở giữa. Hậu cung gồm hai gian, một dĩ chạy dọc được đỡ bởi hai bộ vì. Bộ vì ngoài làm kiểu ván mê, được chạm trổ rất công phu mặt hổ phù với hai mắt lồi, mũi nở và râu mác cuộn xung quanh. Hai bộ vì bên trong làm kiểu giá chiêng, hạ kẻ sang hai bên hồi. Hai ngai thờ của Thánh và phu nhân được đặt ở nơi cao nhất, trang trọng nhất của hậu cung. Ngay trên cửa giữa hậu cung treo bức đại tự “Hiển Thánh cấm” bằng chữ Hán.

Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, lúc thăng, lúc trầm song ngôi đình còn giữ được những di vật đồ thờ vô giá. Đó là 04 tấm bia đá, trong đó một tấm to để ngoài sân và 03 tấm nhỏ gắn trên tường hậu tòa đại đình. Tấm bia ngoài sân đã bị sứt và chữ mờ nhiều không đọc được niên đại. 03 tấm nhỏ có niên đại Minh Mệnh 20 và Duy Tân năm Giáp Dần; 02 tấm sắc phong thần có niên đại Khải Định 2 (1917) và Khải Định 9 (1924); 01 bản thần phả ghi lại vào ngày 10 tháng 3 năm Bảo Đại 13 (1938); 02 bộ đòn kiệu được trang trí khá đẹp với đề tài chủ đạo là rồng, phía trước là đầu rồng, phía sau là đuôi rồng, thân đòn gắn các con rồng con; 02 cỗ long ngai, với hai kiểu dáng tạo tác khác nhau. Ngai đức Thánh ông được tạo dáng chắc khỏe với bành hậu thẳng cao. Ngai đức Thánh bà có hậu bành thấp và tạo các đường cong mềm mại. Cả hai bộ long ngai đều được chạm khắc các hình rồng, phượng, mặt hổ phù, hoa dây, văn sóng nước và sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đường nét chạm sâu, tinh, khéo với đề tài phong phú, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX. Ngoài ra, trong đình còn có một số đồ thờ tự khác như giá văn, bát hương, sập thờ, mâm bồng…

BẢN ĐỒ

ĐỊA ĐIỂM XUNG QUANH

Thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

2,73 km

Thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

1,43 km

Thôn Lương Nỗ, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

3,44 km

Thôn Tuân Lễ, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

1,34 km

Trang thông tin điện tử Đông Anh 360

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Đông Anh

Chịu trách nhiệm chính: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh

  • Số 66 đường Cao Lỗ, Thị trấn Đông Anh, Đông Anh, Hà Nội
  • 0243.965.2973
  • [email protected]

Về chúng tôi

Theo dõi tại: