ĐÌNH - CHÙA ĐÀO THỤC

Thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội

GIỚI THIỆU

Cụm di tích đình chùa Đào Thục thuộc thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm. Làng Đào Thục xưa thuộc trang Đào Xá, tổng Phương La, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Nằm trong vùng đậm đặc những di tích với bao truyền thuyết lịch sử, cụm di tích đình - chùa Đào Thục ra đời từ xa xưa ở trang Đào Xá cũng là những nơi thờ các anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa của buổi đầu dựng nước và giữ nước. Đất Đào Thục còn có phường rối nước nổi tiếng, nơi đây từ xa xưa còn có nhà thờ và lăng mộ ông Tổ nghề múa rối nước Đào Đăng Khiêm.

Đình làng Đào Thục thờ đức thánh Tam Giang, Đương Giang và Phi Nương hoàng hậu. Theo thần tích còn lưu giữ được ở đình có thể lược ghi công tích của các thần như sau: 
* Đức Thánh Tam Giang được thờ ở đây là Tôn thần họ Trương tức Trương Hống, Trương Hát. Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên ở thế kỷ XIV ghi về ông họ Trương: … “Theo sử ký của Đỗ Thiện: Hai Vương là hai anh em một nhà, người Phù Lan, anh tên là Hống, em tên là Hát, từng làm tướng cho vua Triệu Việt Vương, đến thời Lý Nam Đế không chịu ra làm quan, bị lùng bắt rồi uống thuốc độc chết, thượng đế thấy vô tội mà thiệt đời, bổ cho làm Long quân phó sử, tuần hành trên 2 chi sông Vũ Giang và Long Giang.
Trương Hống - Trương Hát đã từng âm phù giúp Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng; giúp vua Nam Tấn đánh trận ở núi Côn Lôn, Tây Long. Vua Nam Tấn lập đền thờ hai vương, phong người anh làm “Đô Đương Giang đô hộ quốc thần vương”, đền thờ chính ở cửa sông Như Nguyệt, phong người em làm “Tiểu Đương Giang đô hộ quốc thần vương”, đền thờ chính ở cửa sông Nam Bình. Đến thời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) quân Tống sang lấn, tiến vào trong cõi. Vua sai Thái úy Lý Thường Kiệt lập trại ở ven sông để chống giữ. Một đêm, quân sĩ nghe trong đền có tiếng thần ngân thơ:

“Nam Quốc sơn hà, Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Dịch thơ: 
“Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Rồi quả nhiên quân Tống thua, rút về nước. Năm Trùng Hưng 1 (1285), vua sắc phong Như Nguyệt, Khước định và Uy địch Đại Vương. Năm thứ 4, gia phong “Thiên hựu” và “Dũng cảm”.

* Về thần Đương Giang và Phi Nương hoàng hậu: Theo cuốn thần phả hiện còn thì … đến khi nước Nam có vua Đinh Tiên Hoàng … ở nước ta có người là Đào Thị, húy Long, là nhà truyền gia thi lễ, nhiều đời trâm anh,… Năm 18 tuổi nàng chưa tính chuyện chồng con. Nàng xuống tắm, bỗng thấy trời tối sầm, sóng gió trào dâng, rồi bỗng thấy con giao long đến quấn quanh thân nàng, trong khoảnh khắc khiến nàng sợ hãi. Từ đó nàng có mang. Đến ngày 13 tháng 11 năm Quý Tỵ nàng sinh được một người con trai đầu người mình rắn, cao to đường hoàng. Biết là thủy cung cho xuất thế, nàng bèn đặt tên là Đương Giang. Khi 3 tuổi ngài đã biết lễ nghĩa, văn chương nghe âm mà hiểu, năm 7 tuổi nhập học, 13 tuổi thông sử, biết võ nghệ… Sau khi mẹ mất, lúc ngài mãn tang mẹ là thời điểm 12 sứ quân cát cứ các nơi gây ra loạn lớn. Đương Giang công nghe được tiếng của thiên tử, trạng nguyên bốn bề trong lòng đều muốn giúp. Thần đã giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp giặc Ngô. Khi đến trang Đào Xá huyện Yên Phú, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc thì ngài cho tập trung quân nghỉ. Thấy địa thế quanh co, rồng hổ bao bọc, ngài bèn thiết lập đồn để đón cánh sau của quân Ngô. Lúc bấy giờ dân chúng trang Đào Thục sợ hãi đều xin làm thần tử. Ngài cho phép rồi lấy hơn 30 trai tráng khỏe mạnh làm quân bảo vệ giữ đồn đợi dẹp giặc. Lúc ấy là ngày thượng tuần tháng giêng, thấy sứ giả đem chiếu thư đến sai ông đi dẹp giặc ở đạo phía Nam, ngay hôm đó ngài mổ trâu lợn tế trời đất yết thần miếu, núi sông bách thần, khao sĩ tốt, phụ lão ở bản trang. Đêm hôm ấy ngài nằm ở đền, đến cuối canh 3 bỗng nhiên mơ thấy một người con gái tự xưng là hoàng hậu tên gọi là Phi Nương, xin tự nguyện ngầm giúp ngài đánh giặc, sau này vinh hiển cùng phối hưởng, nói xong biến mất. Ngài tỉnh dậy, ngẫm thấy sự linh ứng của thần trong mộng đã đến giúp. Sớm hôm sau ngài lễ bái tạ rồi dẫn quân tiến thẳng đến huyện Thanh Oai, sứ quân đóng đồn lại đánh nhau với quân Ngô, mở trận lớn. Quân Ngô thất bại bỏ chạy, ngài chém được tướng giặc và bắt được hàng ngàn quân và vô số khí giới. Ngài nói với dân Đào Xá rằng: Sau này ngài trăm tuổi, hãy thờ ngài và cùng vị thần trong đền phối hưởng. . Lúc bấy giờ trung tuần tháng hai, có thư đến nói giặc Ngô đã dẹp xong, ngài vâng mệnh trở về, vua mở hội mừng, gia phong cấp bậc cho tướng sĩ và cấp cho ngài thực ấp ở huyện Yên Phú. Ngài trở về Yên Phú nhậm sở, đến giữa sông Như Nguyệt bỗng thấy trời đất mịt mù, sóng nổi dữ dội… Ngài đã hóa ngày 10 tháng 4. Dân sợ hãi bèn làm lễ tâu với triều đình. Vua sai về làm lễ tế, cho phép trang Đào Xá làm hộ nhi sở tại thờ cúng. Đến khi Đinh Tiên Hoàng bị vây ở khu chùa, ngài âm phù giúp vua giải vây. Từ đó lấy làm lễ thường, phong làm đương cảnh thành hoàng Đương Giang Tá phu minh Thiên thần công thánh đức Hiển ứng đại vương, phong Hoàng Hậu mặc tướng Sinh linh âm phù Tô nhi nương phu nhân… Trải qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn… thần đều linh ứng.
Hằng năm nhân dân Đào Xá mở hội để nhớ ngày đức Thành hoàng sinh 13 tháng 11 là lệ chính. Lễ được dùng là cỗ chay, dưới có trâu bò, xôi rượu, ca hát nhảy múa 3 ngày.

Đình Đào Thục hiện nay là tiền thân của ngôi đền thờ thánh xưa kia, ra đời khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Việc xác định niên đại thông qua những hiện vật còn lại như: những viên gạch cổ có hình rồng yên ngựa, hoa sen, hoa cúc cách điệu, rồng uốn lượn tạo thành hình lá đề - loại gạch của thế kỷ XV, XVI; tấm bia đá niên hiệu Cảnh Hưng nguyên niên (1740) ghi việc trùng tu của các bậc quan chức trong triều đối với đình, các đạo sắc phong thần từ niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783) đến niên hiệu Khải Định 9 (1924) cho thấy sự xuất hiện của ngôi đình ở vào thế kỷ XVIII. Sau nhiều lần trùng tu sửa chữa và lần trùng tu mới đây nhất là năm 2022 - 2023, ngôi đình có kiến trúc như hiện nay và vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của ngôi đình cổ.
Trước mặt đình chính có ao đình và nhà thủy đình là nơi biểu diễn múa rối nước cổ truyền của làng Đào Thục, bên trái đình có hồ nước rộng đã được quy hoạch kè đá, làm lối đi xung quanh tôn thêm vẻ đẹp của khu di tích. Bên phải đình nhà tảo mạc mới được trùng tu với 5 gian 2 dĩ xây lối đầu hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, cửa bức bàn cả 5 gian với công năng là nhà tòa soạn, sắp lễ, thủ từ trông coi bảo vệ di tích. 

Qua sân rộng đến đình chính gồm đại đình và hậu cung. Đại đình có kiến trúc 3 gian 2 chái, được dựng trên nền cao tam cấp so với mặt sân. Đình với 4 góc đao cong vừa phải, mái đình được lợp ngói di, bờ nóc là đôi rồng chầu mặt trời bốc lửa, hai đầu bờ nóc trang trí đầu kìm, lân chạy bờ dải, đầu đao hình rồng, cụm văn mây, ba gian giữa lắp cửa bức bàn, hai bên xây tường kín trổ cửa sổ chữ thọ… Kết cấu 4 hàng chân cột, vì nóc của tòa đại đình ở hai vì trung tâm và vì hồi được làm lối chồng xà con nhị, tiền kẻ, hậu bẩy. Gắn với kiến trúc của tòa đại đình ở chính giữa là một nhang án sơn son thếp vàng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Trên cao của nhang án là bức đại tự sơn son thếp vàng “Thiên tử vạn niên”, một bức cửa võng lớn kín toàn gian giữa được chạm nổi, chạm bong kênh mà ở chính trung tâm là hình mặt trời được tạo một vòng tròn, nổi xung quanh vòng tròn là những cánh sen cách điệu, 2 bên là 2 rồng, ở hai góc trên với phượng vũ. Chạy dọc xuống là 2 rồng và long mã. Nhìn bức cửa võng thờ tại đình như thể một bức tranh sinh động về thiên nhiên tươi đẹp, trù phú ở vùng quê.

Hậu cung nối với đại đình bằng một gian ống muống và nếp nhà 3 gian song song với đại đình làm lối xây tường đầu hồi bít đốc, bờ nóc trang trí hoa chanh, đầu đốc trang trí hình hổ phù. Ngôi đình với mặt bằng chữ “Công” cân đối hài hòa, các bộ vì làm lối thượng giá chiêng, chồng xà, tiền kẻ hậu bẩy. Trong hậu cung xây bệ gạch để làm nơi thờ thánh. Đáng chú ý trong hậu cung là ba cỗ ngai gỗ sơn son thếp vàng được chạm rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Cao và sâu nhất của hậu cung là bệ thờ thần hoàng làng Đương Giang đại vương và Phi nương Hoàng hậu ở vị trí trung tâm. Trên 2 ngai là 2 tượng của thần hoàng ngồi oai nghiêm, nét mặt bình dị gần với đời thường. Phi nương mang dáng dấp của mẫu. Trên bệ thờ hai vị thần hoàng có nhiều đồ thờ và chủ yếu được chạm bằng gỗ. Những đường nét của các loại ỷ thờ, mâm bồng, đài thờ… đều là những nét vẽ, nét chạm tinh tế.

Đình Đào Thục hiện còn lưu giữ những di vật cổ quý giá như: cỗ kiệu bát cống được tạo tác thời Hậu Lê còn nguyên vẹn nét chạm rồng tinh tế, hoa lá cách điệu; hai tượng thần hoàng được làm bằng gỗ niên đại thế kỷ XVIII - XIX; hai cuốn thần phả, 11 đạo sắc phong thần có từ niên hiệu Vĩnh Hựu 4 (1738) triều Hậu Lê đến niên hiệu Khải Định 9 (1924) triều Nguyễn; hai bộ bát bửu, biển thước thế kỷ XIX; một cửa võng chạm nổi, bong kênh thế kỷ XIX; một nhang án chạm nổi, chạm thủng niên đại cuối XVIII, đầu XIX; một bia đá được chạm khắc đẹp, niên đại 1740… Tất cả những kiến trúc, những chạm khắc nghệ thuật, di vật, cổ vật tại đình vẫn sống động và chứa đầy tính chất nghệ thuật dân gian truyền thống.

Làng Đào Thục kết chạ với làng Yên Tân (xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Nguồn gốc của việc kết nghĩa không được truyền lại, song hai làng giao lưu vào dịp hội làng và vì coi nhau như anh em nên trước đây mỗi khi đi chợ Núi, người dân hai làng thường không mặc cả với nhau trong mua bán. Chuyện kể lại, có lần phường rối nước Đào Thục lên Yên Tân biểu diễn để quên một con rối ở bờ ao. Ngày hôm sau, làng Yên Tân cử một đoàn gồm các cụ già và trai tráng trong làng khiêng kiệu đặt con rối phủ vải đỏ mang trả làng Đào Thục. Chạ anh, chạ em là như thế đấy.

Để ghi nhớ và thể hiện lòng thành kính của người dân Đào Thục đối với Thành hoàng làng đã có công lao đối với dân, với nước, hằng năm vào ngày sinh đức thánh Đương Giang 13 tháng 11 âm lịch, nhân dân Đào Thục mở hội truyền thống, làm lễ dâng thánh. Đặc biệt phường múa rối nước truyền thống của làng sẽ biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách thập phương về dự hội. Đào Thục là nơi mà cụ tổ nghề Đào Đăng Khiêm đã truyền dạy nghề múa rối nước cho dân làng, bởi vậy vào ngày hội chính, những người con của làng Đào Thục cũng chính là những nghệ nhân phường rối biểu diễn để dâng thánh và phục vụ nhân dân. Đến buổi chiều các cụ làm lễ tất và kết thúc ngày hội truyền thống của làng. 
 

BẢN ĐỒ

ĐỊA ĐIỂM XUNG QUANH

Thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

2,38 km

Thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

Thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

3,08 km

Thôn Hương Trầm, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

2,22 km

Thôn Biểu Khê, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

2,66 km

Thôn Mạnh Tân, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

1,88 km

Thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

3,57 km

Thôn Cổ Miếu, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

0,98 km

Thôn Cổ Miếu, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

Trang thông tin điện tử Đông Anh 360

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Đông Anh

Chịu trách nhiệm chính: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh

  • Số 66 đường Cao Lỗ, Thị trấn Đông Anh, Đông Anh, Hà Nội
  • 0243.965.2973
  • [email protected]

Về chúng tôi

Theo dõi tại: